Kiến trúc Đình_Đức_Thắng

Xét về tổng thể kiến trúc, đình làng Đức Thắng là ngôi đình có quy mô đồ sộ vào bậc nhất thời bấy giờ, là một trong những ngôi đình cổ của Việt Nam.

Đình Đức Thắng xây dựng theo lối kiến trúc dân gian Tứ trụ tức là dùng bốn cây cột đình lớn làm cột chính, từ đây toả ra và liên kết với hết thảy các kết cấu kiến trúc bằng gỗ khác. Các công trình của đình chính, nhà võ ca, nhà thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền hợp thành một tổng thể kiến trúc rộng lớn và liên kết chặt chẽ với nhau.

  • Nội thất: được bài trí nhiều khám thờ, hai bên treo các câu liễn, bên trên đặt những tấm hoành, dọc theo khám thờ nhiều bao lam gỗ được nghệ nhân xưa dùng kỹ thuật chạm lộng để thể hiện đề tài, tạo nên nhiều hình tượng, phong cảnh thiên nhiên sinh động. Những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ này phần lớn có niên đại từ thời các vua nhà Nguyễn. Đình làng Đức Thắng hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, đến nay còn rất tốt.
  • Ngoại thất được trang trí bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật được chặm khắc bằng kỹ thuật đắp nổi và ghép mảnh sành phù hợp với tín ngưỡng dân gian ở địa phương. Các tác phẩm trang trí nghệ thuật này miêu tả cảnh thiên nhiên, muông thú và các điển tích xưa.